Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng: chồi, sùi, loét, polype, hoặc thâm nhiễm, dễ chảy máu,…Ung thư cổ tử cung có thể là ung thư xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong.
Một số dấu hiệu nhận biết sớm ung thư CTC
Khi chị em mắc ung thư CTC ở giai đoạn đầu hoặc có những tổn thương về tiền ung thư thì thường không có hay có ít các triệu chứng đặc hiệu nào về bệnh. Dấu hiệu ung thư CTC chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Khi hiện tượng này xảy ra, các triệu chứng ung thư CTC bao gồm:
- Đau vùng chậu: Tự dưng chị em thấy những cơn đau bất thường ở vùng chậu hoặc đau khi giao hợp... Những cơn đau này có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư CTC cao.
- Dịch âm đạo có màu bất thường: Dịch âm đạo bỗng dưng có màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn màu hồng của máu và gây ra mùi khó chịu, trường hợp này có thể phụ nữ đang gặp một số bệnh, có thể là do ung thư buồng trứng hay viêm vòi trứng, ung thư CTC…
- Chảy máu bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh hoặc kỳ kinh kéo dài bất thường. Một số trường hợp bệnh nhân chảy máu sau khi thụt rửa âm đạo hoặc khám vùng chậu. Lưu ý, mức độ chảy máu ở mỗi người là khác nhau, có người chảy nhiều, có người chảy ít.
- Thiếu máu: Thiếu máu có thể xảy ra với bệnh ung thư CTC vì số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị giảm và được thay thế bằng các bạch cầu để đẩy lùi bệnh. Thiếu máu thường khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng.
- Bất thường trong tiểu tiện: Khi bạn hắt hơi mà bị són tiểu hay khi đi tiểu có máu, đau thì nên đi khám ngay lập tức. Rất có thể bạn bị ung thư CTC. Trường hợp này rất nguy hiểm. Nếu đúng là ung thư CTC thì các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trên cơ thể.
Phương pháp xét nghiệm
Hiện nay có 2 hình thức xét nghiệm được áp dụng nhằm phát hiện và ngăn chặn K cổ tử cung, đó là xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV.
- Xét nghiệm Pap smear (hay còn được gọi là xét nghiệm Pap): đây là phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện sớm những thay đổi trong tế bào cổ tử cung và chẩn đoán những những thay đổi đó có khả năng phát triển thành khối u cổ tử cung hay không khi không được điều trị. Xét nghiệm này giúp bệnh nhân có thể phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung, để từ đó có biện pháp điều trị kịp thời ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Xét nghiệm Pap được xem là một trong những xét nghiệm tầm soát đáng tin cậy, chính xác và hiệu quả nhất hiện nay.
Thời điểm có thể tiến hành xét nghiệm Pap: Phụ nữ có thể tiến hành làm xét nghiệm Pap từ khi 21 tuổi hoặc trong 3 năm kể từ khi quan hệ tình dục lần đầu tiên (nếu bạn quan hệ tình dục sớm). Bạn nên duy trì thói quen làm xét nghiệm Pap thường xuyên, ngay cả khi đã đến tuổi mãn kinh hoặc không còn quan hệ tình dục nữa.
- Xét nghiệm HPV: Đây là phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện các loại vi khuẩn gây ra những thay đổi trong tế bào cổ tử cung.
Phòng ngừa bệnh Ung thư cổ tử cung
1. Đi khám phụ khoa thường xuyên
Đây là biện pháp không thể thiếu giúp bạn sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường có nguy cơ dẫn đến các bệnh về phụ khoa cũng như bệnh ung thư cổ tử cung. Khi khám phụ khoa, bạn lưu ý cần phải kiểm tra khung xương chậu để phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ.
2.Chủng ngừa HPV đầy đủ
Hiện nay có một số loại vắc xin có thể ngăn ngừa các hình thức lây nhiễm HPV, bao gồm cả những loại vi khuẩn gây ung thư cổ tử cung. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn lựa chọn loại vắc xin phù hợp với mình.
3. Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây hình thành nên các khối u trong cơ thể, trong đó có ung thư CTC.
4. Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
Dùng bao cao su khi quan hệ sẽ giúp phòng tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, đặc biệt là với những phụ nữ có quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau.
5. Không quan hệ tình dục với nhiều người
Bạn nên chỉ quan hệ tình dục với một người duy nhất, và phải chắc chắn rằng “đối tác” không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nhằm làm giảm nguy cơ bị nhiễm HPV.
Ngoài ra, bạn còn nên lưu ý một số điều sau để bảo vệ sức khỏe cho chính mình:
- Bạn có khả năng bị nhiễm HPV cao nếu bạn bắt đầu quan hệ tình dục khi còn quá trẻ (dưới 20 tuổi) hoặc khi người đàn ông của bạn có quan hệ với nhiều người.
- Nếu kết quả xét nghiệm của bạn không bình thường, có những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, thì bạn nên đi khám lại đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Ung thư cổ tử cung thường khó phát hiện bởi không có dấu hiệu nhận biết cụ thể, và thường phát hiện bệnh khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Dấu hiệu phổ biến nhất chính là chảy máu bất thường (khi không phải trong chu kỳ kinh nguyệt hay khi đã mãn kinh), đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc dịch âm đạo bất thường, có màu tối và mùi hôi khó chịu.
- Thuốc chủng ngừa HPV không có khả năng bảo vệ và chống lại tất cả các loại virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Do đó, ngay cả khi đã chủng ngừa HPV đầy đủ, bạn vẫn cần theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Lời khuyên của thầy thuốc
- Chị em phụ nữ cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress bởi chúng là yếu tố khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, định kỳ 3-6 tháng nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư. Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến CTC... thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.
- Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1
Số 45, Hồ Văn Cống, KP4, P. Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
Liên hệ ngay để được tư vấn: 0274 3 777 999